CÁCH LỰA CHỌN KÍNH BƠI

 
 
Có thể bạn đã từng nhảy ùm xuống nước để tập luyện và thấy rằng kính bơi của mình vô đầy nước. Hoặc, có thể bạn thấy khó chịu khi đeo kính để bơi hết buổi tập của mình, hoặc nếu bạn bước ra khỏi hồ bơi với đôi mắt đỏ ngầu hoặc có quầng kính hằn sâu xung quanh hốc mắt, thì đó chính là lúc cần phải thay đổi kính!
Để lựa chọn kính bơi phù hợp với mình, chúng ta không cần đi quá sâu vào những chi tiết kỹ thuật mà các hãng đưa ra. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn chỉ cần tuân theo quy trình 3 bước đơn giản sau đây:
 
Bước 1 – Xác định loại kính bơi phù hợp với dạng tập luyện của bạn
  a. Mục đích: tránh “dùng dao mổ trâu để giết gà”, tốn tiền không cần thiết vì những loại kính đắt tiền mà nhu cầu tập luyện của bạn chưa cần đến. Lúc mới học bơi, vai trò của kính bơi chỉ là giúp cho bạn tập mở mắt nhìn dưới nước trong lúc lặn ngụp. Còn khi bơi lội đã trở thành môn thể thao tập luyện thường xuyên của bạn, nghĩa là bạn đi bơi ít nhất 3 ngày/tuần, thì lúc đó kính bơi đã trở thành “con mắt” của bạn. Bạn sẽ vô cùng khó chịu khi kính bị vào nước, kính bị mờ trong lúc bạn đang ra sức bơi nhiều vòng để tăng cường sức khỏe. Lúc đó, bạn hãy sắm cho mình một kính bơi “xịn” để giúp buổi tập bơi của bạn thêm hứng khởi.
 Kính bơi Thi đấu Speedo Fastskin SpeedSocket2
Kính bơi Thi đấu Speedo Fastskin SpeedSocket2
 
  b. Cách chọn loại kính bơi phù hợp:
Nếu bạn là vận động viên bơi chuyên nghiệp hoặc tập bơi thường xuyên: chọn loại kính bơi có chữ “Competition” (Thi đấu) hoặc “Training” (Tập luyện). Trên thị trường phân biệt kính thi đấu và kính tập luyện rất rõ ràng. Kính bơi tập luyện chú trọng đến yếu tố thoải mái khi bơi trong thời gian dài. Ngược lại, kính thi đấu tập trung vào độ gọn nhẹ, độ cản nước và một chút thời trang. Các nhãn hiệu kính bơi chuyên nghiệp dành cho VĐV đang có mặt ở thị trường Việt Nam là: SPEEDO (dòng Fastskin, Vanquisher), ARENA (dòng Cobra), FINIS (dòng Lightning, Strike). Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp loại kính bơi không có gioăng cao su rất được các VĐV bơi lội chuyên nghiệp ưa chuộng. Loại này có tên gọi riêng là “kính Thụy Điển” (Swedish goggles). Mặc dù không có gioăng cao su, kính loại này vẫn có thể chống tràn nước bằng cách lựa chọn cốc kính phù hợp và điều chỉnh khoảng cách giữa 2 mắt kính sao cho vừa vặn với hốc mắt.
Nếu bạn là người mới học bơi hoặc tập bơi không chuyên: chọn loại kính bơi có chữ “Recreational” hoặc “Leisure”. Các nhãn hiệu kính bơi đều có sản phẩm dành cho đối tượng này. Ngoài 3 nhãn hiệu khá nổi tiếng ở trên, các nhãn hiệu kính bơi phổ thông và đang có mặt ở thị trường Việt Nam là: YINGFA, VIEW, PHOENIX.
 Kính bơi Tập luyện Yingfa Y570AF(M)
Kính bơi Tập luyện Yingfa  Y570AF(M)
 
Bước 2 – Xác định kích cỡ (size) của kính
  a. Mục đích: Một chiếc kính bơi dù trông có bóng bẩy và “xịn” đến đâu cũng sẽ vô dụng nếu nó không vừa với bạn. Chiếc kính vừa vặn là khi phần cốc kính (goggle cup) phải ăn khớp với hốc mắt, kích cỡ của kính phù hợp với vòng đầu của bạn và quan trọng nhất: một chiếc kính vừa vặn phải chống rò rỉ nước tuyệt đối.
 Kính bơi Tập luyện View V220A
Kính bơi Tập luyện View V220A
 
  b. Cách xác định kích cỡ kính phù hợp: có 2 cách:
Chọn kính ghi rõ đối tượng cụ thể, như kính dành cho nữ (Women) hoặc kính dành cho trẻ em (Kids), một số hãng còn ghi rõ kính bơi dành cho trẻ ở độ tuổi nào. Kính bơi dành cho nữ là loại kính được thiết kế ăn khớp với khuôn mặt của nữ (tròng kính thường nhỏ hơn) nhằm cho phép họ có cảm giác thoải mái tối đa khi ở dưới nước. Kính bơi dành cho trẻ em là loại kính có tròng kính nhỏ, đặc biệt là thường có tròng kính và dây đeo có màu sắc rực rỡ để tạo sự hứng thú cho trẻ khi đeo kính. 
Lấy kính ra áp thẳng vào tròng mắt nhưng không quàng dây. Nếu kính không bị rớt ra khỏi hốc mắt trong một vài giây thì … OK!
 Kính bơi dành cho trẻ em View V730J
Kính bơi dành cho trẻ em View V730J
Bước 3 – Xác định loại tròng kính (màu sắc, chất liệu, khúc xạ)
  Màu sắc: Kính bơi có màu đậm hoặc kính tráng gương (mirror) là kính dùng để bơi ngoài trời nhằm chống chói gây ra bởi ánh sáng mạnh. Còn nếu bơi ở hồ bơi trong nhà (bơi có đèn) thì màu sắc kính bơi không quan trọng. Sử dụng kính màu nào là tuỳ theo sở thích cá nhân
 Kính bơi Tráng gương Yingfa Y-N.2AF(V)
Kính bơi Tráng gương Yingfa Y-N.2AF(V)
 
  Chất liệu: Hầu hết mắt kính bơi hiện nay đều được làm bằng chất liệu chống xước (anti-scratch), chống sương mù (anti-fog) và chống tia UV (anti-UV). Theo kinh nghiệm cá nhân, trong 3 chức năng trên, bắt buộc bạn phải chọn loại kính chống sương mù (anti-fog) vì nếu bơi mà kính “mờ mịt” thì đâu có thấy đường để bơi, dễ đụng vào đầu người khác hoặc đụng đầu vào thành tường, còn 2 chức năng còn lại, có thì tốt, không có cũng không sao.
 Kính bơi Thụy Điển Sporti Antifog Swedish Premium
Kính bơi Thụy Điển Sporti Antifog Swedish Premium
  Khúc xạ: Đối với một số người bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị, trên thị trường cũng có sẵn các loại kính cận với đủ độ khác nhau. Độ cận được chia thành thang cách nhau 1 đi-ốp hoặc 0.5 đi-ốp tùy từng nhãn hiệu kính.
 Kính bơi cho người cận thị View V510
Kính bơi cho người cận thị View V510
Những phần còn lại của kính bơi như dây đeo kính (nên chọn loại dây đôi để giữ kính trên đầu chắc hơn), phần cầu nối qua mũi (có thể điều chỉnh rộng hẹp theo  từng nấc), vòng đệm khung kính (bằng silicon hoặc bằng cao su), hình dạng của tròng kính thì ... tùy theo sở thích cá nhân, miễn sao bạn thấy thích là được.
Chúc bạn chọn được một kính bơi ưng ý!
 
Chung Tấn Phong - viết và tổng hợp