Có những việc mình không thấy nhưng không thể nói là nó không tồn tại, như virus corona chẳng hạn. Mình có thấy con virus corona nào bằng mắt thường đâu nhưng thật sự nó vẫn đang tồn tại. Đổ mồ hôi dưới nước cũng là dạng như vậy. Không thấy được từng giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, không thấy được tấm lưng trần ướt đẫm mồ hôi khi chúng ta bơi, nhưng sự thật thì chúng ta chắc chắn vẫn đổ mồ hôi khi hoạt động trong nước. 
 
Vì sao? Vì đổ mồ hôi là một chức năng sinh học được cơ thể sử dụng để tự làm mát trong những điều kiện nhất định (nhiệt độ môi trường cao hoặc cơ thể hoạt động ở cường độ cao). Và khi gặp những điều kiện như vậy, dù là trên cạn hay ở dưới nước, cơ thể vẫn xuất mồ hôi. Đó là cơ chế tự nhiên. Chỉ có điều, người bơi ít nhận thấy mình đổ mồ hôi vì nước bao bọc xung quanh họ.
 
Về cơ bản, chúng ta đổ mồ hôi để giữ thân nhiệt ở mức ổn định. Cơ thể con người không dựa vào các yếu tố bên ngoài để điều chỉnh nhiệt độ của nó, vì vậy, khi cơ thể nóng, nó đổ mồ hôi. Tuy nhiên, khi bơi, bạn sẽ đổ mồ hôi ít hơn so với các hoạt động cường độ cao khác trên cạn. Hầu hết các hồ bơi có nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ trung bình của cơ thể (37°C), vì vậy nước giúp làm mát cơ thể bạn và làm giảm nhu cầu đổ mồ hôi của bạn. Nhưng ngay cả khi nước giúp bạn mát mẻ, nó cũng không ngăn cơ thể tạo ra phản ứng tự nhiên đó. 
 

Vậy làm cách nào bạn biết mình đang đổ mồ hôi trong nước?

Bạn không thể dựa vào cảm giác đổ mồ hôi, miệng khô hoặc cảm thấy nóng bức như ở trên cạn, chúng ta phải dựa vào các phương pháp khác để biết mình có ra mồ hôi hay không.
 
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đang đổ mồ hôi trong nước là thở dốc. Nó thường là một chỉ số của đổ mồ hôi vì nó cho thấy bạn đang tập luyện ở cường độ cao, và cơ thể bạn đang đổ mồ hôi để không quá nóng. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang thở hổn hển và cảm thấy đứt hơi, rất có thể bạn đang đổ mồ hôi.
 
Ngoài ra, nếu bạn đang đội mũ bơi, bạn sẽ cảm thấy đầu nóng hâm hấp, đó là do bạn đang đổ mồ hôi bên dưới mũ. Và điều quan trọng cần lưu ý là người bơi có thể tiếp tục đổ mồ hôi sau khi buổi tập luyện dưới nước kết thúc vì lúc đó nhiệt độ cơ thể vẫn còn đang tăng cao. Phải mất một khoảng thời gian để cơ thể hạ nhiệt. Do đó, người bơi có thể thấy mình xuất mồ hôi sau khi lên khỏi bể và lau khô. 
 
Nhiều người sẽ tiếp tục hỏi: OK, vậy tôi sẽ đổ mồ hôi khi tập trong nước, nhưng thực sự thì tôi đổ mồ hôi nhiều đến mức nào? 
 
 
 
 
Thực sự thì cũng có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới, nhưng tôi thấy cũng không cần trích dẫn số liệu ra đây. Lý do là các kết quả nghiên cứu sẽ khác nhau tùy thuộc vào đối tượng nghiên cứu (VĐV chuyên nghiệp hay người thường), lượng vận động dưới nước (cao hay thấp), nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí … Chúng ta chỉ cần biết một số thông tin quan trọng sau: nữ đổ mồ hôi ít hơn nam; bể bơi ngoài trời vào mùa nóng dễ làm người bơi đổ mồ hôi nhiều hơn so với bể bơi có mái che hoặc bể bơi trong nhà; đổ mồ hôi gây mất nước cho cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của bạn trong nước và ảnh hưởng đến thành tích của VĐV bơi. 
 
Câu chuyện quan trọng nhất và đáng lưu ý nhất ở đây là: những thứ bạn không để ý có thể gây hại cho bạn vì bạn không lường được tác hại của nó và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cũng như virus corona, do không thấy và đánh giá thấp về nó nên đại dịch bùng phát. Đổ mồ hôi dưới nước, nếu không thấy và đánh giá thấp về nó, thành tích bơi sẽ bị ảnh hưởng. 

Vậy khi chúng ta đổ mồ hôi, chính xác là chúng ta đang mất gì?

Chúng ta sẽ mất nước, và đi kèm với nó, là mất chất điện giải.
 
Mất nước xảy ra khi bạn đang sử dụng nhiều chất lỏng hơn bạn đang uống. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể của bạn vì nó ngăn cơ thể thực hiện các chức năng bình thường. Các dấu hiệu mất nước bao gồm khát nước, dễ cáu kỉnh, đau đầu, yếu ớt, chóng mặt, chuột rút và ợ nóng. Mất nước quá mức có thể dẫn đến nôn mửa, buồn nôn, ngất xỉu và cuối cùng là sốc nhiệt.
 
Mất nước chỉ 1-2% tổng trọng lượng cơ thể bắt đầu ảnh hưởng đến thành tích. Khi cơ thể bạn không có đủ chất lỏng, nó khiến nhịp tim của bạn tăng đột biến, điều này sẽ khiến việc tập luyện của bạn cảm thấy khó khăn hơn.
 
Khi bạn đổ mồ hôi, bạn cũng đang mất chất điện giải. Chất điện giải giúp cơ thể chúng ta hoạt động tốt bằng cách giữ cho độ pH của chúng ta cân bằng và được điều tiết. Chúng hỗ trợ xây dựng mô mới, giúp máu đông, kiểm soát các cơn co thắt cơ và điều chỉnh mức chất lỏng. 
 
Để tránh mất nước, luôn có một chai nước bên mình trước, trong và sau khi tập luyện. Những VĐV giỏi nhất biết rằng họ cần uống từng ngụm nước thường xuyên trong suốt buổi tập. Các nghiên cứu cho thấy rằng bạn nên uống ít nhất nửa lít nước trong quá trình tập bơi để tránh mất nước.
 
Khi tập luyện, bù nước là người bạn tốt nhất của bạn. Nước điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và bôi trơn các khớp, do đó cho phép cơ thể hoạt động ở mức cao nhất. Nó cũng cải thiện chức năng cơ bắp và tuần hoàn máu trong khi điều chỉnh huyết áp. 
 
Với thức uống thể thao mới được sản xuất mỗi tuần, thật khó để biết bạn thực sự nên uống gì trong quá trình tập luyện. Đối với hầu hết các trường hợp, nước lọc là giải pháp tốt nhất cho mất nước. Nó hoàn toàn tự nhiên và bổ sung những gì cơ thể bạn đang mất.
 
Đối với các bài tập đặc biệt nặng trong môi trường nóng ẩm, các chất điện giải bổ sung có thể có lợi. Bạn có thể tiêu thụ các gói muối để duy trì cân bằng điện giải, hoặc uống một trong nhiều đồ uống thể thao. Tuy nhiên, phần lớn mọi người thu nạp một lượng chất điện giải đủ trong chế độ ăn uống thường xuyên của họ và không cần chế độ bổ sung nào. Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, hãy tránh đồ uống thể thao vì hầu hết đều chứa nhiều calo và đường và chúng sẽ phủ định lượng calo bạn đang đốt cháy trong lúc tập luyện.
 
Nếu bạn thấy mình bị đau cơ hoặc chuột rút sau khi tập luyện, có lẽ bạn không uống đủ nước. Hãy thử uống nhiều nước hơn trước, trong và sau khi bơi.
 
Mặc dù nghe có vẻ kỳ, nhưng cách tốt nhất để kiểm tra xem bạn có bù nước đủ hay không là bằng màu của nước tiểu. Màu càng nhạt, bạn càng bù đủ nước.
 
Khi tập luyện ngoài trời vào mùa hè, hãy chú ý hơn đến việc bù đủ nước. Ngoài ra, hãy chú ý thoa kem chống nắng vì cháy nắng có thể gây mất nước thêm.
 

Tóm lại:

Nếu không đổ mồ hôi dưới nước, chẳng lẽ câu nói “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” lại không thể áp dụng cho môn bơi lội? Nếu “lượng mồ hôi” là chỉ số gián tiếp đánh giá mức nỗ lực về thể lực của một người thì chẳng lẽ VĐV bơi lội không cần nỗ lực? Thật khó tin!
 
Trên thực tế, những người đi bơi có đổ mồ hôi khi ở dưới nước. Họ có thể dễ bị mất nước hơn những người tập ở các bộ môn trên cạn khác chỉ đơn giản vì họ không nhận thấy rằng họ đang đổ mồ hôi. Vì vậy, điều cần thiết và khôn ngoan là những người bơi ở mọi cấp độ phải giữ việc bù nước trong khi bơi để bổ sung chất điện giải và nước bị mất trong quá trình tập luyện.
 
Chung Tấn Phong