Bơi sau khi ăn - Huyền thoại & Thực tế

 
Rảo nhanh các tin bài trên mạng để tìm lời khuyên cần phải làm gì sau khi ăn, người đọc có thể thật sự cảm thấy bối rối. Những tin bài này đối chọi nhau như nước với lửa. Có bài khuyên không nên vận động sau khi ăn vì nó có thể gây trào ngược axit, gây ra các triệu chứng khó tiêu. Có bài lại khuyên là sau khi ăn, không nên ngồi xem ti vi, nằm ườn lướt facebook mà nên đi bộ để thức ăn tiêu hóa dễ dàng, hạn chế các bệnh về dạ dày! 
 
Trong môn bơi lội, vấn đề bơi sau khi ăn cũng được nhiều người đặt ra. Điều đó tốt hay không tốt? An toàn hay nguy hiểm? 
 
Lời khuyên trước đây dành cho vấn đề này là Đừng đi bơi trong một giờ sau khi ăn. Lời khuyên này dựa trên lập luận cho rằng: Khi vận động, máu sẽ ưu tiên đi đến cơ bắp của bạn thay vì đi đến một số cơ quan khác, tức là cơ thể của bạn đang lấy máu từ một bộ phận này để cung cấp cho một bộ phận khác. Nhưng nếu bạn vừa ăn xong, dạ dày và ruột cũng đòi hỏi một nguồn cung cấp máu lớn để tiêu hóa thức ăn, đặt bạn trong một tình huống là cả hệ thống tiêu hóa và cơ bắp cùng đều có nhu cầu lưu lượng máu tăng lên. Điều đó dẫn tới không hệ thống nào có đủ lưu lượng máu để đáp ứng nhu cầu của nó và các mô bắt đầu bị co rút. Khi bạn ở dưới nước, hệ lụy là bạn có thể bị chuột rút và có nguy cơ bị đuối nước. Nếu bạn đợi khoảng một giờ để cho phép một số tiêu hóa xảy ra và thức ăn rời khỏi dạ dày của bạn, thì nguy cơ bị chuột rút của bạn sẽ giảm xuống.
 
 
Nhưng đó có phải là lời khuyên hợp lý? Đối với một đứa trẻ đầy năng lượng và cực kỳ “yêu nước”, việc chờ đợi cả tiếng đồng hồ để xuống nước trở lại sau khi ăn dường như dài vô tận!
 
Đúng là tiêu hóa chuyển hướng một số máu từ cơ bắp để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Với lưu lượng máu giảm, có khả năng có ít oxy hơn cho cơ bắp đang hoạt động và đây là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra chuột rút. Mặc dù vậy, một số nhà nghiên cứu không coi trọng giả thuyết này.
 
Giáo sư Peter Milburn - Khoa Khoa học Phục hồi trường Đại học Griffith – luận giải chuột rút có nhiều khả năng liên quan đến mệt mỏi, mất nước hoặc mất cân bằng điện giải, chứ không phải do ăn no!
 
Giáo sư Robert Newton, đồng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Y học vận động của Đại học Edith Cowan, nói rằng trong khi tiêu hóa làm cho máu ít đến tứ chi, thì việc ngăn chặn chúng ta khỏi các hoạt động là không hợp lý về mặt sinh lý. "Khái niệm cho rằng bạn sẽ không nhận đủ oxy và máu cho cơ bắp để bạn có thể đập chân và quạt tay chỉ là rác rưởi", ông nói.
 
"Ưu tiên hàng đầu của cơ thể là giữ cho cơ bắp hoạt động bằng mọi giá vì chúng ta đã tiến hóa theo cách đó. Giả sử chúng ta đang ngồi dùng một bữa ăn ngon miệng thì một con hổ răng kiếm nhảy ra và bắt đầu rượt đuổi chúng ta. Giống như các loài vật khác, chúng ta sẽ không tồn tại lâu nếu cơ thể nói, “Tôi không thể vận động cơ bắp vì tôi đang tiêu hóa bữa ăn của tôi”, ông nói thêm. 
 
Trên thực tế, "cơ thể ngay lập tức chuyển tất cả lượng máu cần thiết đến cơ bắp và nói, "Chúng ta sẽ tiêu hóa bữa ăn sau", ông giải thích. 
 
 
Tiến sĩ Kelly Pritchett, phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng và là cựu vận động viên bơi lội tại Đại học Alabama, cho biết: "Theo nhận biết của tôi, không hề có bằng chứng và nghiên cứu nào về bơi lội cho thấy ăn trước khi bơi là nguy hiểm". Theo kinh nghiệm của bản thân khi còn là một vận động viên bơi lội thi đấu, Pritchett nói rằng bà thường xuyên ăn ngay trước thi đấu vì đồ ăn nhẹ và carbohydrate lành mạnh giúp cung cấp nhiên liệu cho cơ vận động. 
 
Một cuộc kiểm tra của Hiệp hội cứu sinh Hoàng gia Úc báo cáo về các vụ đuối nước trong vài năm qua không đề cập gì đến trường hợp mất mạng nào sau khi ăn. Và cả Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ, hay Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cũng không đưa ra bất kỳ hướng dẫn hay cảnh báo nào liên quan đến bơi lội sau khi ăn.
 
Các tổ chức này quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ đuối nước do uống rượu bia. Rượu bia và ma túy có thể làm suy giảm nghiêm trọng khả năng phán đoán và khả năng thể chất, và làm tăng nguy cơ co thắt dây thanh âm nếu nước xâm nhập vào khí quản.
 
Trong kỳ báo cáo 2010 - 2011, 17% tất cả các vụ đuối nước ở Úc được quy cho rượu bia hoặc ma túy. Trong độ tuổi từ 18 đến 34, con số này cao hơn nhiều - lên tới 45%. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được nguy cơ của rượu bia và ma túy khi xuống nước.
 
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ thấy thoải mái nếu bạn bơi sau khi ăn. 
 
 
"Bạn có thể trở nên khó chịu, bạn có thể bị trào ngược và trường hợp xấu nhất bạn có thể nôn", giáo sư Newton giải thích. Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ bị đau xóc hông. Giáo sư Newton nói: "Một dạ dày đầy sẽ đặt áp lực lên cơ hoành. Nhưng một người sẽ không bị chết đuối vì họ đau xóc hông”. Đơn giản là họ sẽ rời khỏi bể bơi nếu họ thấy đau. Và mặc dù bơi khi bụng đầy có thể gây khó chịu, và nếu quá mức, có thể dẫn đến nôn mửa, thì nó không có khả năng khiến bạn có nguy cơ bị đuối nước cao hơn. 
 
Pritchett khuyên rằng những người bơi ít kinh nghiệm nên cảnh giác khi ăn "quá gần với việc xuống nước" bởi vì co thắt có thể phát triển nếu người bơi "làm việc ở cường độ cao hoặc cố gắng cật lực để nổi."
 
Tóm lại, có 3 vấn đề mà bạn cần lưu ý về việc bơi sau khi ăn uống:
 
Một là, Bạn sẽ không chết đuối vì thức ăn, nhưng bạn có thể gặp rủi ro cao khi xuống nước nếu uống rượu bia;
 
Hai là, Đừng vì không chết đuối vì thức ăn mà bạn ăn quá no trước khi xuống nước. Chỉ nên ăn nhẹ các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate đơn giản. Chúng không chỉ tốt cho bạn, mà chúng còn tiêu hóa nhanh hơn nhiều so với chất béo và protein trong món bít tết.
 
Ba là, Ảnh hưởng của việc ăn no trước khi bơi tùy thuộc vào loại hình hoạt động bạn thực hiện ở dưới nước:
  • Nếu bạn xuống nước để vui chơi, giải trí hoặc bơi nhẹ nhàng: BÌNH THƯỜNG. Thức ăn không làm bạn gặp khó khăn gì.
  • Nếu bạn xuống nước để thi đấu hoặc vận động với cường độ cao: BẤT THƯỜNG. Thức ăn không làm bạn bị chuột rút nhưng bạn có thể bị xóc hông, trào ngược hoặc thậm chí bị nôn.
  • Nếu bạn xuống nước để học bơi: NGUY HIỂM. Đối với người mới học bơi hoặc chỉ mới biết bơi được một ít, mỗi lần xuống nước là một lần vận động mạnh. Họ phải “vật lộn” với nước để không bị chìm, họ mau mệt mỏi vì tay chân hoạt động nhiều, họ khó thở vì chưa quen với nhịp thở dưới nước. Chính vì vậy, họ dễ bị chuột rút hơn, dễ bị trào ngược hơn, dễ bị nôn mửa hơn nếu họ ăn no trước khi xuống nước. Và khi đã bơi chưa rành, lại bị chuột rút hoặc bị nôn thức ăn làm bít đường thở, họ gặp nguy hiểm là điều chắc chắn. 
Chung Tấn Phong