Bạn có yêu “nước” không?

 
Mọi động tác trong thể thao đều là sự kết hợp giữa thần kinh và cơ bắp mà bạn phải trải qua một thời gian tập luyện đủ lâu mới có thể “kết nối” hợp lý được. Thuở ban đầu, để thực hiện một động tác nào đó, bạn thường dùng “dao mổ trâu để giết gà” do tín hiệu thần kinh điều khiển cơ hoạt động khá phân tán, chưa thể tập trung vào nhóm cơ chính, động tác cứ thừa chổ này, thiếu chổ khác. Đồng thời, do mọi suy nghĩ đều phải tập trung vào động tác nên toàn bộ cơ thể của bạn đều bị căng cứng, nói nôm na là bị “gồng”. Chẳng hạn khi bạn tập động tác tay sải, tay trái kéo nước phải dùng lực là đúng rồi, nhưng tay phải vung trên không cũng gồng cứng theo, chân thì “quên” không đập nữa, trong khi các cơ vùng mặt không đóng góp gì vào động tác lại nhảy vào “tham gia” khi mặt của bạn trông vô cùng căng thẳng.
 
Thực tế trên thể hiện một ý quan trọng: khi tập một kỹ năng mới nào đó, bạn đừng hấp tấp vì dễ bị vấp! Có nghĩa là bạn phải đi từng bước. Hãy tập thuần thục một kỹ năng này trước khi chuyển sang tập một kỹ năng khác. Hãy để những mối liên kết “thần kinh – cơ” có thời gian để vận hành hợp lý, kinh tế và không truyền dẫn “lung tung”. Muốn đi nhanh, phải từ từ!
 
 
Điều đó đặc biệt đúng trong môn bơi lội vì có liên quan đến yếu tố “nước”. Trong bài viết Độ nổi trong bơi lội – những bí mật được “bật mí”, tôi có đề cập đến nguyên nhân chủ yếu làm cho mọi người bơi mau mệt là vì mọi người không có độ nổi tốt, tạo nhiều sức cản trong nước, dẫn đến mất nhiều năng lượng khi bơi. Nay tôi trình bày rõ hơn về vấn đề này. 
 
Quan sát những người đi bơi thường xuyên, tôi thấy có khá nhiều người bơi rất vất vả. Họ bơi như “đánh vật” với nước. Nước văng tung tóe, sóng cuộn dâng trào, hùng hục khí thế! Đó có phải là những người bơi nhanh? Xin thưa: không phải. Đó là những người đang tự bào mòn năng lượng của chính mình vào những thứ không cần thiết. Thay vì dùng năng lượng đó để tạo lực tiến về trước, họ đã phung phí năng lượng của mình để tạo sóng! Vì sao như vậy? Vì họ không có độ nổi tốt, hay nói đúng hơn là, họ tập quá nhanh trong giai đoạn ban đầu khi kỹ năng nổi của họ chưa hoàn chỉnh. Bây giờ, họ phải trả giá cho việc đó bằng cách phải dùng tay chân “chống chọi” để cơ thể không bị chìm. “Đầu nổi, chân chìm” là đặc điểm cơ bản của những người bơi dạng này. 
 
 
 
Lực cản mà họ tạo ra, thuật ngữ chuyên môn gọi là “lực cản sóng”, là dạng lực cản xuất hiện tại mặt phân cách giữa không khí và nước. Lực cản sóng chính là kẻ sát nhân thật sự đối với người bơi. Điều nguy hiểm là lực cản sóng không chỉ làm mất năng lượng của người bơi mà khi họ bơi càng nhanh thì ảnh hưởng của nó càng lớn vì lực cản sóng tăng theo lập phương của sự gia tăng tốc độ bơi. Ngoài tạo sóng do hoạt động của chân và tay, người bơi còn tạo sóng khi họ bơi giật cục hoặc bơi nhấp nhô.
 
Như vậy, khi bạn không có độ nổi tốt, bạn sẽ chịu hậu quả kép: vừa chịu ảnh hưởng của lực cản chính diện (do cơ thể bạn không nằm ngang trong nước), vừa chịu ảnh hưởng của lực cản sóng (do chân tay đập mạnh vào nước để cơ thể không bị chìm). Hậu quả kép này làm cho bạn bơi vừa mệt vừa không hiệu quả. 
 
Trong thể thao, có một nguyên lý về thực hiện kỹ thuật mà bạn cần biết: “Nỗ lực nhìn thấy được là nỗ lực không sinh lợi; đó chính là nỗ lực VĐV dùng để chống lại chính mình”, hay nói cách khác, “nỗ lực nhìn thấy được là nỗ lực không hiệu quả”. Bạn bơi nhanh mà mọi người nhìn vào thấy bạn như không nỗ lực gì ghê gớm cả thì đó mới là bơi nhanh, còn bạn bơi nhanh mà mọi người thấy bạn “hùng hục” thì đó chưa phải là bơi nhanh, vì hình ảnh “hùng hục” đó chính là biểu hiện bạn đang phí sức vào những thứ không cần thiết! 
 
 
Cố võ sư Lý Tiểu Long từng nói: “Trên thế giới, nước là thứ mềm nhất nhưng cũng là thứ cứng nhất, không có gì có thể chặt đứt nó”. Vì vậy, khi bạn không thể bắt nước quy phục, hãy học cách làm thế nào để tránh tác động trở ngại của nó thì tốt hơn. Tránh tác động trở ngại của nước chính là nương theo nước mà tiến tới, đừng “chiến đấu” với nước, vô ích. Muốn nương theo nước, cơ thể bạn phải xuôi theo nước, không để “đầu nổi, chân chìm”, tay “cắt ngọt” vào nước chứ không nên “chặt chém” nước, chân đập biên độ nhỏ chứ không nên “gõ nện” vào nước. 
 
Như lời bài hát trong phim Bao Thanh Thiên: Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm, chém mạnh vào nước chả có tác dụng gì, chỉ có bạn là sầu thêm thôi! Đừng chứng tỏ mình mạnh khi ở dưới nước. Nước luôn luôn mạnh hơn bạn. Bạn luôn nhận phần thua khi “chiến đấu” với nước.
 
 
Để kiểm tra mình bơi tốt hay không, bạn có thể dựa vào 5 tiêu chuẩn dưới đây. Năm tiêu chuẩn này thực hiện khá đơn giản khi và chỉ khi bạn có độ nổi tốt:
  • Bơi nhẹ nhàng, không tung tóe nước; 
  • Bơi nằm ngang trong nước, không bị chìm phần chân; 
  • Bơi liên tục, không bị giật cụt; 
  • Bơi thở thoải mái, không bị ngắt quãng; 
  • Bơi kiểu nào ra kiểu đó, không bị “lai”!
Tóm lại, hiệu quả kỹ thuật chính là điều khác biệt giữa VĐV chuyên nghiệp và người bơi thường. Người bơi tốt là người bơi ít tốn sức nhất. Họ bơi tốt vì họ “yêu nước”, họ xem nước là bạn, họ đối xử với nước nhẹ nhàng, êm dịu.
 
Chung Tấn Phong