Sợ nước - chuyện không của riêng ai!

 
Bài học bơi đầu tiên bao giờ cũng bắt đầu bằng việc "đi đến hồ bơi" nhưng có những người đi đến hồ bơi đã khó, chứ chưa nói gì đến xuống nước! Đó là những người "sợ nước". Vậy "sợ nước" có gì nghiêm trọng không và cách khắc phục như thế nào? Đó là chủ đề của bài viết này.
 
Sợ nước có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau:
  - Có thể là một nỗi sợ hãi bản năng liên quan đến nỗi sợ chết đuối.
  - Có thể là do nỗi sợ về những cái mù mờ, không rõ ràng nằm ẩn dưới mặt nước sâu, nước đục hoặc nơi có nhiều bùn lầy.
  - Có thể liên quan đến một trải nghiệm xấu đã từng xảy ra.
  - Có thể được truyền từ những người sợ nước khác, đặc biệt là từ người thân
  - Có thể là do "bị" tập với một thầy/cô không có phương pháp sư phạm dạy bơi.
 
Từ những nguyên nhân trên, cần phân biệt chứng "sợ nước" (aquaphobia) với "tâm lý sợ nước". Chứng "sợ nước" là một dạng bệnh lý, bất thường và kéo dài liên tục (hễ thấy nước là sợ, dù là nước trong bồn tắm!), còn "tâm lý sợ nước" là một dạng "sợ" chỉ xuất hiện tạm thời khi có yếu tố nào đó từ bên ngoài gây ra, có thể khắc phục được nếu có phương pháp hợp lý. Vì vậy, chúng ta thấy nhiều người lớn sợ nước hơn con nít vì người lớn có nhiều "trải nghiệm" quá, cái gì cũng "thủ" chứ không chịu "thử". Còn con nít thì ngược lại, do chúng chưa có nhiều "trải nghiệm" nên sẵn sàng "thử", không cần "thủ"!
 
Nhưng nhìn chung, ai khi xuống nước lần đầu cũng đều sợ, chỉ mức độ ít hay nhiều mà thôi. Đó là điều bình thường. Khi bạn bắt đầu học một điều gì đó mới mẻ, bạn luôn có tâm trạng hồi hộp hoặc thậm chí hơi lo sợ. Khi lần đầu tiên xuống nước, trạng thái hồi hộp càng thể hiện rõ vì nước là môi trường không quen. Bạn đã từng hồi hộp khi lần đầu tiên nắm vô-lăng để học lái xe hơi? Bạn đã từng “choáng váng” khi lần đầu tiên đứng ở độ cao để học nhảy dù xuống mặt đất? Những “lần đầu tiên” đó đều có cảm giác giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ. Vậy, lần đầu tiên “xuống nước” cũng sẽ có cảm giác như vậy.
 
Như vậy, hơi hồi hộp khi xuống nước lần đầu tiên là chuyện bình thường, không có gì nghiêm trọng cả. Nhưng với những người cực kỳ "sợ nước" và "nhát nước", phải có cách tiếp cận đặc biệt so với những người học bơi bình thường khác. Đó là:

  1. Bắt đầu buổi học không phải ở dưới nước mà ở trên bờ để thiết lập sự tin cậy ban đầu giữa thầy và trò. Theo nhà trị liệu dưới nước Jeff Krieger, những người sợ nước thường được bảo rằng “Có gì đâu mà phải sợ?” Nhưng họ sợ. Vì vậy, bất cứ ai nói câu này thì ngay lập tức sẽ mất đi sự tín nhiệm từ họ. Việc quan tâm nghiêm túc đến họ, giải thích một số điều cơ bản trước khi xuống nước sẽ làm cho họ cảm thấy an toàn hơn và sẵn sàng học hỏi hơn.

  2. Khi bắt đầu xuống nước, áp dụng nguyên tắc đối xử đặc biệt đối với người sợ nước, đó là "nguyên tắc 5T": Từ từ từng bước - Tìm thầy kèm 1:1 - Tập hồ nông và vắng - Thoải mái - Tiếp xúc từng phần cơ thể với nước.

   - Từ từ từng bước: nghĩa là đừng gấp, đừng vội với người sợ nước, hết sức kiên nhẫn với những "tiến bộ nhỏ" của họ.

   - Tìm thầy kèm 1:1: Tập chung với nhiều người làm cho họ cảm thấy tự ti khi so sánh với những người khác và cảm thấy không an toàn khi thấy mình không được "để mắt" tới thường xuyên. Những cảm giác này sẽ ngăn cản họ học tập. Đối với người sợ nước, người đứng kèm kế bên giống như một "cái phao an toàn", giúp cho họ cảm thấy yên tâm hơn.

   - Tập hồ nông và vắng: theo Justin Patrick, một youtuber người Hàn Quốc, người sợ nước có 3 người bạn tốt, đó là: thành hồ, đáy hồ và ván bơi. Đó là những vật mà họ có thể nắm lấy, tóm lấy bất cứ lúc nào khi cần thiết. Vì vậy, họ cần phải được tập ở hồ nông (mực nước khoảng từ dưới ngực hoặc ngang thắt lưng) để họ có thể đứng vững chắc được. Ngoài ra, khi tập ở hồ quá đông người, họ sẽ có cảm giác như bị "nhấn chìm" bởi quá nhiều yếu tố ngoại cảnh, vì vậy họ bắt đầu hoảng sợ với tiếng ồn, với trò tóe nước vào nhau của các em nhỏ, với sóng "dập dềnh" tạo ra từ những người đang bơi khác. Do đó, nên tìm hồ bơi nào đó, giờ bơi nào đó có ít người bơi là tốt nhất để dạy cho người sợ nước.

   - Thoải mái: nghĩa là lấy sự thoải mái của người tập làm mục tiêu, chứ không phải lấy giáo án làm mục tiêu; không quan tâm đến họ tập được bao nhiêu bài trong giáo án, chỉ cần họ làm bài nào thấy thoải mái, tự tin thì mới chuyển sang bài khác, từng chút, từng chút một.
 

   - Tiếp xúc từng phần cơ thể với nước để từng bước có thể úp mặt xuống nước hoàn toàn: đây là phương pháp "nhúng từ từ" cơ thể xuống mặt nước để người sợ nước không hoảng sợ khi đột ngột bị yêu cầu "úp mặt xuống nước". Và một khi họ đã úp mặt được xuống nước rồi thì "tâm lý sợ nước" sẽ được xóa tan đi khá nhiều, lúc đó những kỹ năng còn lại sẽ được họ tiếp thu dễ dàng hơn. Trình tự tiếp xúc từng phần cơ thể với nước như sau:
 
   + Chân: Ngồi trên thành bể, đung đưa chân dưới nước để lấy cảm giác nước chảy xung quanh chân.
 
   + Mặt: đầu tiên là dùng tay vốc nước để rửa mặt, sau đó nín hơi dùng tay vốc nước nhưng để cho nước chảy từ đầu xuống mặt. Khi đang nín hơi và ngồi thẳng, nước không thể chảy vào mũi và miệng. Tận hưởng cảm giác sảng khoái của nước trên khuôn mặt.
 
   + Nửa thân dưới: từ từ đi xuống hồ bằng cầu thang, sau đó dùng một tay vịn thành hồ để đi bộ tới lui. Tận hưởng cảm giác của nước chảy quanh cơ thể.
 
   + Môi: nín hơi, từ từ cúi người xuống cho đến khi môi ở ngay trên mặt nước. Phải cảm thấy thoải mái khi để nước ở gần môi, sau đó đứng lên.
 
   + Mũi: a) Mức độ 1: nín hơi, từ từ hạ thấp người xuống (với miệng đóng) và xem mình có thể để miệng nằm dưới mặt nước hay không (nước nằm giữa miệng và mũi), sau đó cố gắng thở qua mũi trong khi miệng vẫn ngặm ở dưới mặt nước. Đứng lên. Lặp lại bài này thường xuyên để thở thoải mái với mũi ở gần mặt nước; b) Mức độ 2: Tương tự bài ở mức độ 1 nhưng lần này để mũi xuống dưới mặt nước (mặt nước nằm giữa mũi và mắt), tai trên mặt nước, hơi gập đầu về trước, cố gắng giữ vị trí này trong một vài giây rồi đứng lên.
 
   + Tai: Nín hơi. Bây giờ hãy hơi nghiêng đầu về phía sau, từ từ hạ thấp người xuống cho đến khi mũi và tai ở dưới mặt nước nhưng mắt vẫn ở trên mặt nước. Một lần nữa cố gắng giữ vị trí này một vài giây trước khi đứng lên.
 
   + Mắt: Nín hơi. Bây giờ từ từ hạ thấp người xuống và để nước trùm qua miệng, mũi, tai và cả mắt. Khi người tập đeo kính bơi, nước không thể lọt vào mắt họ. Cố gắng giữ vị trí này một vài giây, sau đó đứng lên và thở bình thường. Một khi cảm thấy thoải mái với mắt mở dưới mặt nước, hãy nói họ quan sát thế giới kỳ lạ mở ra trước mắt họ ở dưới mặt nước.
 
   + Đầu: Một khi họ cảm thấy thoải mái khi thực hiện bài tập trước, tiếp tục tiến thêm một chút bằng cách yêu cầu họ nhấn chìm cả đầu, sau đó tiến đến động tác trồi lên, thụp xuống nhịp nhàng. Điều này giúp họ quen với việc đầu mình bị ngập nước thường xuyên, sẽ hữu ích sau này khi họ bắt đầu chuyển qua học các kiểu bơi.
 

Sau khi người "sợ nước" đã có thể nhận chìm đầu xuống nước thì chúng ta vẫn áp dụng 4T còn lại để giảng dạy cho họ những kỹ năng khác như thở nước, nổi sấp, lướt về trước. Lúc đó, mọi việc sẽ theo đúng "quỹ đạo" của nó.
Như vậy, có thể thấy rằng, "sợ nước" là nỗi sợ không có gì "đáng sợ", chỉ khi "sợ nước" đến mức không dám "thọc chân" xuống nước, không dám vốc nước rửa mặt thì lúc ấy "sợ nước" mới thật sự "đáng sợ"!
 
Chung Tấn Phong