Những câu hỏi thường gặp về mắt, tai, mũi, họng khi đi bơi

 

Bởi 

Trích dịch trong sách “Swimming for Total Fitness – A Progressive Aerobic Program”

của tác giả Jane Katz, Ed. D. 

Người dịch: Chung Tấn Phong

 
 

Hỏi: Mắt tôi bị đỏ và cổ họng tôi bị ngứa khi bơi. Có phải tôi bị dị ứng với clo?

      Đáp: Theo nghĩa thông thường, rất hiếm khi chúng ta bị “dị ứng” với clo, nhưng sau khi ngâm lâu trong nước có clo, nhiều người cảm thấy một “phản ứng kích thích” trông giống như một phản ứng dị ứng với các triệu chứng như sưng, ngứa, hắt hơi, khụt khịt và mắt đỏ.
      Đôi khi cổ họng bị ngứa và ho là do những hạt clo tự do trong không khí, đặc biệt xảy ra ở các hồ bơi trong nhà không có thông khí tốt.

Hỏi: Tại sao tôi thấy các vầng sáng xung quanh các bóng đèn sau khi bơi?

      Đáp: Khi mắt của bạn bị phơi trong môi trường nước được xử lý hóa chất hoặc nước nhược trương (muối trong nước ít hơn muối trong giác mạc), giác mạc có thể bị sưng lên. Chứng phù này làm cho các tia sáng bị bẻ cong khi chúng đi qua giác mạc, đôi khi làm cho người bơi thấy khó chịu khi nhìn thấy các vầng sáng xung quanh bóng đèn. Mắt cũng có thể bị đỏ, chảy nước mắt và trở nên nhạy cảm quá mức với ánh đèn và khói thuốc. Chợp mắt một lát, rửa mắt, và thời gian, sẽ làm giảm bớt tình trạng này; sử dụng kính bơi cũng là giải pháp ngăn ngừa. 
 

Hỏi: Điều gì tạo cảm giác có cái gì đó cộm trong mắt của tôi sau khi bơi?

      Đáp: Đây là một câu chuyện khác, nhưng có liên quan. Phơi nhiễm với clo có thể gây ra chứng viêm giác mạc có những lổ cạn (superficial punctate keratitis) – là việc các tế bào ngoài cùng của giác mạc bị giảm, làm cho một dây thần kinh bị phơi nhiễm và tạo cho bạn cảm giác có cái gì đó trong mắt của mình. Phải mất một đến hai ngày để tình trạng này được chữa lành – đó là thời gian để cơ thể bạn thay thế các tế bào bị mất. Một lần nữa, mang kính bơi là phương thức tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này. 
 

Hỏi: Tôi có thể bị nhiễm trùng mắt do bơi lội?

      Đáp: Không, nếu bạn bơi ở một hồ bơi được khử trùng bằng clo đầy đủ. Theo tiêu chuẩn hiện nay, độ clo dư ít nhất 2.0 là đủ để tiêu diệt tất cả vi khuẩn và phần lớn các vi-rút
      Tuy nhiên, các vùng nước sâu để bơi như các mỏ đá và ao hồ, cũng như các hồ bơi không được khử trùng bằng clo, có thể là nơi ẩn náu của các vi khuẩn và vi-rút có hại. Bạn có thể tự bảo vệ bằng cách mang kính bơi – nhưng không phải là kính bơi của người khác, bởi vì sự lây nhiễm có thể lan truyền theo cách này. Khám bác sĩ nếu bạn gặp các vấn đề về mắt dai dẳng. 

Hỏi: Tôi có thể đeo kính áp tròng khi đi bơi không?

      Đáp: Có thể, nhưng đa số các thử nghiệm gần đây tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Centers for Disease Control) cho thấy những người đeo kính áp tròng mềm (soft contact lens) có thể đối mặt với một số rủi ro. Mặc dù kính áp tròng có thể bảo vệ mắt của bạn khỏi clo nhưng mang kính áp tròng mềm lúc bơi có liên quan đến nhiễm trùng mắt; cộng với bạn có từ 4 – 15% khả năng bị rơi mất kính. Các nghiên cứu khác đề xuất bạn nên dùng kính bơi cho dù bạn có đeo hoặc không đeo kính áp tròng để bảo vệ mắt của bạn khỏi các vi sinh vật và vi khuẩn thường có ở trong hồ bơi và ở các vùng nước tự nhiên. Và nếu bạn vẫn đeo kính áp tròng khi bơi thì bạn nên tháo chúng ra và rửa chúng cứ sau 20 đến 30 phút để hạn chế tối đa các rủi ro. 
      Nếu bạn mang kính áp tròng, bạn có thể nói với người đo thị lực về khả năng làm kính bơi theo độ của mình. Bạn cũng có thể mua các kính bơi “làm sẵn” với các tròng kính có nhiều loại độ khác nhau. 

Hỏi: Tôi bị nước vào nhiều trong lỗ tai. Nó có hại gì không? “Tai của VĐV bơi” là gì?

      Đáp: Để nước lọt vào trong lỗ tai sẽ làm bạn khó chịu và có thể dẫn đến “tai của VĐV bơi”. Khi bạn bơi, nước đôi khi di chuyển lên tận vòi nhĩ (Eustachian tube) – là một ống nối trải dài từ phía sau mũi đến phía sau màng nhĩ. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở trong lỗ mũi, nước có thể dịch chuyển tình trạng viêm đó đến tai giữa của bạn; điều này được gọi là “tai của VĐV bơi”. Dù vấn đề này khá hiếm, thế nhưng, nó có thể xảy ra ở những người lặn biển do họ phải chịu những thay đổi về áp suất. Và nó thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn, bởi vì người lớn có một chỗ xoắn nhỏ trong vòi nhĩ có thể chặn nước xâm nhập. Nếu bạn bị đau dai dẳng trong lỗ tai, hãy đi khám bác sĩ; bạn có thể đã bị nhiễm trùng tai giữa đòi hỏi phải có sự chăm sóc chuyên môn.
 
 

Hỏi: Làm thế nào để tôi ngăn nước không lọt vào lỗ tai? Khi nước vào tai, làm thế nào tôi có thể tống nó ra?

      Đáp: Mang nút bịt lỗ tai làm bằng cao su, chất dẽo hoặc sáp có thể bảo vệ tai của bạn. Điều lo ngại chính khi mang nút bịt lỗ tai là nếu nước bị mắc kẹt sau nút bịt thì điều đó còn tồi tệ hơn là để nước chảy vào chảy ra ở tai ngoài. Một nón bơi trùm kín lỗ tai có thể đủ bảo vệ. 
Để lấy nước ra khỏi lỗ tai, sấy khô tai bằng một máy sấy tóc hoặc dùng tăm bông lau nhẹ. Ngoài ra, trên thị trường cũng có các loại thuốc nhỏ tai chống khuẩn, có tác dụng làm khô nhanh, đặc trị ngăn ngừa “tai của VĐV bơi”. 

Hỏi: Người đi bơi có dễ bị cảm lạnh hơn so với những người khác không?

      Đáp: Bơi lội, bản thân nó, không làm tăng khả năng nhiễm trùng đường hô hấp trên của bạn (Nhiễm trùng đường hô hấp trên là nhiễm trùng cấp tính thuộc đường hô hấp trên bao gồm mũi, xoang, họng và thanh quản - ND).  Tuy nhiên, ăn mặc không phù hợp có thể gây ra vấn đề. Khi thời tiết lạnh, đi bộ ngoài trời mà không đội mũ hoặc quấn khăn choàng cổ sau khi bơi là bất cẩn, bởi vì từ 30% đến 40% thân nhiệt của bạn thoát ra từ đầu của bạn. 

Hỏi: Đôi khi tôi cảm thấy dường như tôi không thể lấy lại được nhịp thở bình thường. Điều gì đang xảy ra?

      Đáp: Đó có thể là kết quả của việc thở quá nhanh, quá sâu. Hiện tượng này được gọi là chứng thở gấp (hyperventilating), hoặc có thể do bạn không tự cho mình nghỉ ngơi đủ.
 
 

Hỏi: Tôi có thể bơi khi đang cảm lạnh không?

      Đáp: Cho VĐV tránh xuống nước khi họ bị cảm lạnh là cách nghĩ lâu đời. Nhưng thật sự thì không có bất kỳ luận cứ thuyết phục nào giải thích tại sao người ta phải tránh bơi khi họ bị nhiễm trùng nhẹ đường hô hấp trên. Đúng là tập nặng có làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể và clo có làm đường thở bị kích thích một chút, nhưng khi bị cảm lạnh nhẹ (hắt hơi, chảy nước mũi) thì bạn không cần phải tránh nước. Nó tùy thuộc vào cảm giác của bạn như thế nào. 
      Tuy nhiên, sẽ là một câu chuyện khác nếu bạn bị sốt. Trong trường hợp này, bạn phải tuyệt đối tránh xa hồ bơi. Nếu bạn bị ho nặng, bạn cũng không được bơi – không chỉ vì bản thân bạn, mà còn để tránh bệnh lây lan. Và đừng để phí thời gian với các vấn đề về đường hô hấp nặng: hãy gặp ngay bác sĩ nếu bạn thật sự bị bệnh. 

Hỏi: Tôi bị viêm xoang – tôi có nên dùng đồ kẹp mũi để bơi?

      Đáp: Trong trường hợp viêm xoang nặng, khi có cảm giác đau ở dưới mắt, đặc biệt khi bạn ấn mạnh vào hốc xoang, và có vị hôi trong miệng, bạn không nên xuống nước mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
      Tuy nhiên, đồ kẹp mũi là một vấn đề thuộc sở thích cá nhân. Một số người không bao giờ lo ngại nước xộc vào mũi, trong khi một số người khác lại thấy quá phiền. Nếu bạn là một trong những người đó thì hãy cân nhắc sử dụng đồ kẹp mũi. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đồ kẹp mũi cũng không nên sử dụng thường xuyên – chúng có thể gây khó chịu và không thoải mái, và chúng sẽ trở thành một món đồ nữa mà bạn phải bận tâm. Luôn có sẵn một số mẫu, kiểu dáng và kích thước vừa vặn cho đa số loại mũi. Nhưng đồ kẹp mũi chỉ nên được dùng bởi những người dễ bị viêm xoang. 

Hỏi: Tại sao tôi thấy nóng rát khi nước xộc vào mũi tôi?

Đáp: Cảm giác nóng rát là do khi nước được khử trùng bằng clo thâm nhập vào hốc xoang gây kích thích các màng mỏng bao xung quanh hốc.