Nên học kiểu bơi nào trước?

 
Có một điều bạn có thể không nhận ra rằng là vấn đề "Kiểu bơi đầu tiên được dạy" là khác nhau đối với những người khác nhau và đối với những nền văn hóa khác nhau!
Các nền văn hóa và các quốc gia khác nhau có những cách tiếp cận rất khác nhau đối với câu hỏi về kiểu bơi nào là "tốt nhất" để giới thiệu đầu tiên cho người học. Ở hầu hết các nước châu Âu, châu Á và Nhật Bản, ưu tiên mạnh mẽ là dạy kiểu bơi ếch trước. Còn ở Bắc Mỹ và Úc, các chương trình dạy bơi ban đầu chủ yếu là dạy bơi tự do (hay còn gọi là bơi trườn sấp) và bơi ngửa trước. Sự phổ biến của kiểu bơi trườn sấp có lẽ phải quay ngược về những năm 1920 khi các nhà vô địch bơi lội Olympic, Johnny Weismuller và Buster Crabbe, trở thành những ngôi sao trên màn bạc, với Weismuller thường thể hiện kỹ năng bơi lội của mình trong vai diễn nổi tiếng của ông - Tarzan.
Nhìn chung, tùy vào mỗi người, mỗi kiểu bơi đều có mặt thuận lợi và mặt hạn chế khi được chọn là kiểu bơi để học đầu tiên.
 

Bơi ếch

Bơi ếch thường là kiểu bơi cơ bản đầu tiên dạy cho người mới học. Bơi ếch dễ học vì 3 đặc điểm sau: cả tay và chân đều hoạt động dưới mặt nước (không có động tác vung tay trên không); cả tay và chân đều thực hiện các chuyển động giống nhau, đồng bộ (không có động tác vung tay luân phiên); động tác thở nhìn về phía trước. Vì vậy, kiểu bơi ếch là kiểu bơi phù hợp để dạy cho người lớn tuổi vì các khớp của họ đã cứng, không còn linh hoạt, khó vung tay lên khỏi mặt nước khi học các kiểu bơi khác, đồng thời họ cũng cảm thấy "an toàn" hơn khi tập bơi ếch vì họ có thể quan sát phía trước để tránh va đập với người bơi ngược chiều hoặc va đập vào thành hồ. Ngoài ra, người lớn cũng thích bơi ếch vì đây là kiểu bơi "dưỡng sinh", họ có thể "thả trôi" một chút để lấy lại thăng bằng hoặc lấy lại hơi thở trong giai đoạn "lướt" của kiểu bơi.
 
Về phía ý kiến đối lập, các nhà chuyên môn cho rằng động tác "bẻ cổ chân" khi đạp chân ếch là một thách thức đối với người mới học bơi khi dạy cho họ bơi ếch trước. Ngoài ra, động tác chân ếch đúng phải phát lực từ đùi, đầu gối, cẳng chân rồi mới đến bàn chân, tạo nên động tác "vút" rất mạnh (thuật ngữ chuyên môn là "whip kick"). Chính vì vậy, ở Mỹ và Úc, bơi ếch được xem là kiểu bơi khó, hay nói chính xác hơn là "dễ bơi nhưng khó đúng" và được xếp là kiểu bơi nâng cao, sau khi người học đã biết bơi tự do và ngửa. Ở Việt Nam thì bơi ếch thường là kiểu bơi cơ bản được dạy đầu tiên, chủ yếu để đáp ứng với yêu cầu "mau biết bơi" của người học. Vì vậy, chúng ta chỉ thấy được những người bơi "na ná giống ếch" nhưng không phải "ếch" với chân đạp "khều khều" trong nước, di chuyển chậm nhờ chủ yếu vào tay quạt, chứ không nhờ vào chân đạp, vì vậy cũng ít có tác dụng sâu lên cơ thể về mặt tập luyện lâu dài. Và một điều bất lợi lớn nhất khi dạy bơi ếch trước là nó tạo "định hình động tác bẻ chân ra ngoài" cho người học, ảnh hưởng đến việc học động tác "duỗi mũi chân" khi học các kiểu bơi khác sau này. Chúng ta từng thấy rất nhiều người, do học bơi ếch trước, nên khi bơi tự do, họ chỉ bơi được một kiểu bơi "lai lai" rất phí sức, đó là bơi đầu ngẩng cao về trước, tay sải, chân 1/2 ếch 1/2 sải!
 
Nói chung, đối với người lớn tuổi và đối với người có nhu cầu "mau biết bơi" thì bơi ếch là lựa chọn hợp lý.
 

Bơi ngửa

Bơi ngửa, như tên gọi của nó, được bơi trong tư thế nằm ngửa. Ưu điểm và nhược điểm của bơi ngửa khi được dạy đầu tiên cho người mới học cũng chính là ở tư thế nằm ngửa này. Về ưu điểm, người bơi không gặp các vấn đề về thở nếu họ có sự thăng bằng tốt. Ngoài ra, bơi ngửa có tác động tốt đến lưng nên thường được khuyên là một biện pháp chữa trị đối với người có các vấn đề liên quan đến lưng. Tuy nhiên, đối với những người mới tập, họ chưa quen với tư thế nằm thăng bằng ngửa trên mặt nước nên nước dễ vào mũi và làm cho họ bị "sặc nước", đồng thời họ cũng sẽ cảm thấy không thoải mái khi bơi ngửa vì không thể nhìn thấy hướng mà họ đang bơi.
 
Nói chung, bơi ngửa thường được dạy "một cặp" với bơi tự do vì có một số điểm tương đồng về động tác của tay và chân, nhưng luôn luôn bơi ngửa được dạy sau bơi tự do, chứ ít khi là kiểu bơi được dạy đầu tiên trong bơi lội. Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng bơi ngửa là kiểu bơi quan trọng nhất từ quan điểm an toàn. Nếu một người gặp rắc rối ở dưới nước, nằm ngửa là tư thế tốt nhất để bảo toàn năng lượng và đảm bảo hơi thở.
 

Bơi tự do

Ưu điểm của bơi tự do là nó là kiểu bơi nhanh nhất và hiệu quả nhất về mặt năng lượng so với các kiểu bơi khác. Những người muốn bơi xa, bơi nhiều thì luôn luôn sử dụng kiểu bơi tự do vì nó cho phép bơi dài với hao phí năng lượng ít nhất. Khó khăn của bơi tự do là động tác thở nghiêng, dẫn đến sự phối hợp giữa tay và thở là một kỹ năng khó của kiểu bơi tự do.
 
Vì vậy, mặc dù khá phổ biến nhưng bơi tự do không phải là kiểu bơi dễ nhất cho người mới học bơi. Tuy nhiên, bơi tự do là kiểu bơi mà hầu hết trẻ em đều thích và người ta dạy bơi tự do trước vì 3 nguyên nhân: người học có tư thế nằm ngang trên mặt nước tốt hơn; chân đập tự nhiên hơn (vì động tác đập chân luân phiên giống như động tác đi bộ trên cạn) và có sự chuyển tốt hơn khi dạy sang các kiểu bơi khác. Ngoài ra, với mô hình dạy bơi tự do và bơi ngửa trước, trẻ em không chỉ có thể bơi và tự cứu mình mà còn đủ năng lực để bơi và cứu người khác.
 
Nói chung, nếu xét vào khả năng tập luyện lâu dài sau này và lấy kỹ thuật làm trọng, kiểu bơi tự do là kiểu bơi cần học đầu tiên dành cho đa số mọi người, đặc biệt đối với trẻ em.
 

Bơi bướm

Bơi bướm là kiểu bơi đẹp nhất và cũng là kiểu bơi khó nhất trong các kiểu bơi. Bơi bướm cũng rất thú vị vì đó là kiểu bơi duy nhất có chuyển động uốn sóng thân như cá heo. Tuy nhiên, vì tính phức tạp của nó, bơi bướm không phải là kiểu bơi được dạy đầu tiên vì nó đòi hỏi ở người học phải có đầy đủ sức mạnh, tính linh hoạt khớp và khả năng phối hợp hoàn hảo các động tác trong một chuyển động nhịp nhàng của sóng thân. Ở các nước và tại Việt Nam, bơi bướm luôn luôn là kiểu bơi được dạy cuối cùng, đồng nghĩa với việc "Ai bơi bướm được là người đó đã đi trọn được con đường học bơi cơ bản". 
 
Tóm lại: Việc học bơi cơ bản thường theo 2 trình tự sau: 1) Ếch, tự do, ngửa, bướm; hoặc 2) Tự do, ngửa, ếch, bướm. Việc học theo trình tự nào, học bơi ếch trước hoặc bơi tự do trước, là tùy theo đặc điểm cá nhân của mỗi người. Không có kiểu bơi đúng hoặc kiểu bơi sai khi bắt đầu học.
 
Chung Tấn Phong