Không bao giờ là quá muộn để học bơi

 
 

Những con số biết nói

Dân số Việt Nam tính đến ngày 25/12/2018 là 96.946.778 người (Nguồn: https://danso.org/viet-nam/), tức gần 100 triệu người. 
 
Việt Nam quy định công dân 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,95% dân số), trong đó có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Như vậy, cả nước hiện nay có khoảng 9,3 triệu người từ 60 – 80 tuổi. Đến năm 2038, dự báo nhóm người cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Người già không nhất thiết phải … yếu!

Trước tình trạng này, các nhà hoạch định chính sách nước ta khuyến nghị cần có lộ trình tăng dần tuổi hưu, quan tâm đến bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và đầu tư y tế cơ sở. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao không quan tâm đến việc người cao tuổi tham gia tập luyện thể thao nhỉ? Đâu cứ phải già là phải gắn với bệnh viện, với thuốc men, với bệnh tật? Già mà khỏe thì mới đáng sống chứ. Ở tuổi già, chất lượng sống là quan trọng nhất. 
 
Bệnh tật và già cả là hai thứ mà không ai muốn nó đến cùng lúc! Đừng để đến lúc về già, thời gian có, tiền bạc có, nhưng sức khoẻ không có nên chẳng tận hưởng được gì. Cảnh vật muôn màu muôn vẻ nhưng mắt mờ chỉ thấy hình ảnh như sương khói. Du lịch khám phá đó đây chỉ còn là ước mơ xa vời vì chân mỏi, tay run. Khi không có sức khoẻ, tiêu chí đầu tiên để cân nhắc khi muốn làm gì là mình có đủ sức làm nổi hay không chứ không phải việc đó có hấp dẫn mình hay không! Thật buồn quá!
 
 
Có một câu chuyện: tại TP Hồ Chí Minh, người trên 75 tuổi được hưởng ưu đãi đi xe bus miễn phí. Tuy nhiên, người cao tuổi ít được hưởng ưu đãi này vì phần lớn người cao tuổi ở độ tuổi này đã không đủ sức khỏe để đi xe bus! Thử hỏi, người trên 75 tuổi không đi nổi xe bus thì làm sao “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội” đây?
 
Trong đoạn tả những biểu hiện của người “già yếu” của Henry S. Lodge, bạn có thấy hình ảnh của mình trong đó không: “Mỗi năm bạn sẽ càng béo hơn, chậm chạp hơn, yếu hơn và bị những cơn đau hành hạ nhiều hơn. Bạn không thể nghe và không thể nhìn rõ. Cái hông của bạn muốn ra đi. Đầu gối nữa. Khi đi ngoài đường phải tìm chỗ nào không có lề đường mà đi vì không bước nổi lên cái lề cao khoảng 8cm! Bạn yếu đuối đến mức phải đu đưa từng chút một để rời khỏi một cái ghế bành bình thường. Bạn phải đi tiểu, cứ nửa giờ một lần. Bạn hay hờn mát. Rồi bạn nói những chuyện ngớ ngẩn. Răng bạn vàng khè đi, hơi thở cũng chẳng thơm tho gì. Bạn không có chút tiền nào. Tóc nữa. Cơ bắp bủng beo như một miếng vải. Bạn bỏ cuộc. Bạn chỉ còn cách ngồi đó chờ đợi. Đi vào viện dưỡng lão … dính chặt vô cái ghế”. Ghê không? Tất cả những chuyện đó đều có thể sẽ xảy đến với bạn. Nó thật sự sẽ đến đấy. Và bạn hoàn toàn có thể tránh được. Nhờ VẬN ĐỘNG, nhờ THỂ THAO. 
 
Tony Robbins – một tác giả người Mỹ, doanh nhân, nhà từ thiện và huấn luyện viên cuộc sống – đã nói: “Trở thành người giàu nhất trong nghĩa địa không phải là một mục tiêu”. Tôi xin bổ sung thêm: “Trở thành người giàu nhất trong bệnh viện cũng không phải là một mục tiêu”. Hãy thay đổi tư duy để từ “già yếu” không còn trong từ điển của mỗi người nữa, thay vào đó là từ “già gân”. Đó mới là mục tiêu đích thực mà mọi người cần hướng tới trong thời đại ngày nay.
 
Xin nhắc lại: Để không yếu lúc về già, mọi người phải tham gia tập thể thao, càng sớm càng tốt. Sự thật là 70% cái chết yểu có liên quan đến lối sống “chết yểu”, tức lối sống thiếu vận động. 
 

Khi người lớn tập thể thao

Nếu con người là một cỗ xe thì tinh thần và thể chất của mỗi người được ví như hai con ngựa dẫn dắt cỗ xe đó. Nếu cả hai con ngựa đều khỏe thì mọi việc khá tốt đẹp, nhưng nếu một con bị yếu thì tốc độ tiến về trước của cỗ xe song mã này phụ thuộc vào tốc độ của con ngựa yếu hơn. Ở tuổi còn trẻ, con ngựa “thể chất” còn khá sung sức nên không ai để ý đến việc chăm sóc nó, chỉ lo tập trung vào những mối quan tâm khác như học hành, sự nghiệp, gia đình. Tuy nhiên, con ngựa “thể chất” này cũng mau xuống sức lắm và con người sẽ bắt đầu già đi vào khoảng cuối độ tuổi 20. Vì vậy, khi bạn bước sang tuổi 30, chất lượng cuộc sống của bạn tùy thuộc hoàn toàn vào lối sống của bạn. Cũng chính vì vậy, khi đề cập đến người lớn tập thể thao, tôi muốn nói đến những người từ 30 tuổi trở lên. Còn khi bạn ở độ tuổi 40 – 50, bạn phải hiểu rằng thời kỳ “ăn chơi nhảy múa” như lúc còn trẻ của bạn đã kết thúc. Lúc đó, việc tập luyện đều đặn phải được đẩy lên danh sách hàng đầu, quan trọng hơn hẳn những công việc và thú vui khác. 
 
 
Tuy nhiên, tham gia tập luyện thường xuyên một môn thể thao nào đó đối với người lớn tuổi không phải là dễ dàng, đòi hỏi tính chủ động và tính kiên trì. Tại sao? Vì người lớn tập luyện thể thao phải khắc phục 2 rào cản:
  • Thời gian: Con người không phải là không có thời gian, mà do họ ưu tiên cho hoạt động nào thì họ dành thời gian cho hoạt động đó nhiều hơn, dẫn đến những hoạt động không ưu tiên khác sẽ bị thu hẹp lại về mặt thời gian dành cho nó. Ở độ tuổi 30 - 40, sự nghiệp và gia đình có ý nghĩa quan trọng. Thời gian dành cho 2 lĩnh vực này khá lớn, bây giờ lại phải dành thời gian cho tập luyện là cả một sự nan giải. Thông thường để có thời gian tập luyện, bạn phải hy sinh một ít những mặt khác. Đây là một lựa chọn hợp lý vì nguyên tắc chung là: “Nếu chúng ta không tự chăm sóc cho bản thân mình, chúng ta sẽ trở nên vô dụng cho những người khác”. Khi đi máy bay, ý nghĩa thực sự của vấn đề này được thể hiện rõ khi chúng ta nghe lời hướng dẫn an toàn trước khi cất cánh. Trong mô tả cách sử dụng đúng mặt nạ dưỡng khí, tiếp viên hàng không hướng dẫn hành khách hãy đeo mặt nạ cho chính mình, trước khi giúp đeo mặt nạ cho trẻ nhỏ và những người khác. Nói chung, tìm kiếm thời gian dành cho sức khỏe bản thân có ý nghĩa quyết định đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống dài hạn của chính bạn. 
  • Phá vỡ lối sống thụ động, ít vận động. Mọi người thừa nhận rằng con người đạt đỉnh cao về mặt thể chất trong độ tuổi từ 18 đến 21. Sau độ tuổi đó, quá trình lão hóa tự nhiên sẽ dẫn con người giảm sút từ từ về sức mạnh, sức bền, tốc độ và tính linh hoạt, mềm dẽo. Nhưng điều đáng lưu ý là tốc độ lão hóa lại không liên quan nhiều đến tuổi sinh lý mà lại liên quan nhiều đến mức độ hoạt động của con người. Tất cả chúng ta đều biết có những người 55 – 60 tuổi có thể vẫn chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, bơi nhanh hơn so với những người 30 tuổi. Khi chúng ta 20 tuổi, nếu không duy trì mức độ hoạt động thể lực cần thiết thì sự tăng trưởng của sợi cơ nhanh sẽ giảm xuống, trọng lượng tăng vì sự trao đổi chất chậm lại, năng lực tuần hoàn hô hấp giảm xuống, các khớp bị xơ cứng. Đối với những người không phải là VĐV trước kia, lối sống thụ động là chủ đạo. Bắt cơ thể phải hoạt động tích cực chắn chắc là một thách thức nhưng không phải là không thể vượt qua. Điều quan trọng nhất là phải có bước đi … đầu tiên. 

Vậy lý do gì mà người lớn nên đi học bơi?

Như vậy, người lớn cần có sự quyết tâm đến với một môn thể thao phù hợp nào đó vì chính sức khỏe của bản thân mình ở 1/3 chặng cuối cuộc đời của chính mình. Có nhiều môn thể thao phù hợp cho người lớn. Trong nội dung bài viết này, tôi giới thiệu một môn thể thao phù hợp với người lớn, đó là môn Bơi lội.
 
Có người sẽ đặt câu hỏi: Trẻ em đi học bơi là chuyện bình thường, còn người lớn đi học bơi có cần thiết không? Trong thực tế, báo chí đưa tin nhiều về trẻ em đuối nước nhưng ít tin bài về người lớn đuối nước. Phải chăng do số lượng người lớn biết bơi nhiều hơn trẻ em? Tôi không nghĩ vậy. Số lượng người lớn biết bơi chưa chắc nhiều hơn số lượng trẻ em biết bơi nhưng người lớn ít đuối nước vì người lớn biết sợ, vì người lớn có kiến thức phòng tránh tốt hơn. 
 
Vậy lý do gì người lớn cần đi học bơi khi họ ít đuối nước? Là để quá trình lão hóa đến chậm hơn. Trẻ đi học bơi để phòng chống đuối nước, còn người lớn đi học bơi để phòng chống đuối sức. Hai thế hệ khác nhau, hai mục tiêu học khác nhau. Theo tôi, trong thời điểm cả nước đang kêu gọi phổ cập bơi lội cho học sinh để phòng chống đuối nước, dường như người lớn đang bị xã hội bỏ quên kêu gọi đi học bơi! 
 
 
Bơi lội là một hoạt động tập luyện lý tưởng cho những người lớn ít vận động. Bản chất không-va-chạm của bơi làm cho việc đau khớp không phải là vấn đề lớn trong lúc tập luyện. Môi trường ít trọng lực của nước đồng nghĩa với trọng lượng cơ thể không phải là trở ngại lớn như trong nhiều môn thể thao khác. Vì bơi sử dụng mọi nhóm cơ chính nên lợi ích tim mạch diễn ra ngay tức khắc. Từng động tác một, bạn có thể bơi trên con đường dẫn đến sức khỏe toàn diện. Ngoài ra, không thể không nói đến yếu tố xã hội của việc tập luyện TDTT nói chung và bơi lội nói riêng, đó là việc kết bạn, giao lưu, học hỏi kỹ thuật lẫn nhau giữa những người cùng tham gia tập luyện chung. Đôi khi đây là yếu tố quan trọng nhất đối với người cao tuổi vì nhu cầu được giao lưu rất lớn, tránh sự buồn phiền do tình trạng cô độc gây ra. 
 
Masters swimming đã trở thành một trong những hoạt động fitness dành cho người lớn phổ biến, với một mạng lưới quốc tế về các địa điểm để tập luyện và thi đấu, làm cho việc bơi lội dành cho người lớn trở nên vừa dễ tiếp cận vừa mang tính đại chúng. Tại TP.HCM, Hội Bơi trung cao tuổi có các chi hội ở các quận huyện, giúp cho các bạn có nhiều cơ hội để tham gia.
 
Đối với môn Bơi lội, không bao giờ là quá muộn để đi học 
 
Đối với môn Bơi lội, thà muộn còn hơn không bao giờ
 
Đối với môn Bơi lội, bạn có thể tập suốt đời.
 
Đừng chần chừ nữa, hãy đưa “Thể thao – Vận động – Bơi lội” vào danh sách quyết tâm đầu năm 2019 của bạn nhé. 
 
 
Chung Tấn Phong